Tuesday, 2 May 2017

Angkor Thom, hương đời qúa khứ

















đường rất quen và như rất xưa
chân nghe mòn mõi những âm thừa
tượng quên đầu hỏi cây ven tháp
ngày nắng lên, chiều hôm thác mưa ?

tháp bỏ thân gầy rêu ẩm rêu
đá cùn lêu lõng ngã bên hồ
đất ươm cỏ úa chia từng khóm
trong vắng không và trong xác xơ

những nẻo đời in khung vách xưa
tường loang trong ý tưởng mơ hồ
thời gian rõ chậm thời gian bước
bóng chạy ngàn năm bóng trụ chưa ?

ngày đá ong, đêm ngủ đá bùn
trăng tượng hình trăng nở chênh vênh
ở trên cổ tháp, ma đền tháp
quẳng cái vô cùng hoa niệm hương

thần nữ vờn bay gom tóc rối
lá hoa thiền hạnh sáng khung trời
vũ nữ thiên thần khoe váy lượn
ngực thơm thốt nốt cánh đồng tươi

những cảnh đời thêu lên ý sống
người ngàn năm hồn vẫn hiện tiền
nghe con chim hót trên nền vách
những tiếng cười thanh bạch tự nhiên

lịch sử vòng quay rất nhá nhem
giáo gươm là tuổi ná là tên
ngựa đi bước kiệu, voi đầm thở
khói lửa muôn đời gọi chiến chinh

trong hôn phối giữa hai nền đạo
rõ nét nào hơn đạo thế gian
thần vẫn trao vui làm lẽ sống
Phật gây hương mật ấm thân tâm

những mặt người khoan dung tháng năm
nụ cười độ lượng mắt hiền nghiêm
ở trong cảnh giới Tiên và Phật
người vẫn hành trang kẻ độ đường

đâu những bàn tay vun đá tảng ?
trăm người vẫn một mặt người chung
cao như đỉnh ngọn Tu Di ấy
là thấy Angkor nẻo dị thường

đâu những bàn tay vun đá tảng ?
đi cửa Đông hồn ngó cửa Tây
mắt nở nghìn sao đêm nhật thực
hoàng hôn ánh lửa sáng chân mây

đâu những bàn tay vun đá tảng ?
lấy kinh ngang dọc vẽ kinh thành
bưng biền nuôi dưỡng dòng Siem Reap
sáng Ta Som chiều gọi Prah Khan…

đâu những bàn tay thân gốc sao ?
thẳng như lưng chắc, sậm da màu
về đây chết đứng bên đền tháp
ai mới khai sinh qủa địa cầu….?

về đây đã hẹn mùa xuân tới
kiến nhỏ bàn chân dịch chuyển mau…

Lâm Hảo Dũng
(PTT)
Ảnh Angkor Thom- Siem Reap- Nov 9-14
Van,BC.Can- Dec 13-14- 5:14’ pm

Sunday, 19 March 2017

Pakbang- sơn thị ven sông



một sáng đầu đông ,sương chín nẫu
đường lên bản dốc, gió lao xao
gùi ai lơ lững rau dăm bó
những nhúm khô còm, cá trẻ con

sông lặng đỏ màu, sông chậm thức
ngày lên còn đợi nắng đeo bông
thuyền im như núi rừng hoang tịch
quên tiếng thời gian đổ Pakbang

gỗ xanh, cát trắng ven ghềnh đá
khoe dáng kiêu hùng đẹp Cửu Long
trong cô sơn nữ đen màu má
hay những môi hồng qủa mận ngon

giữa khoảng không gian buồn tế nhị
mắt rơi rơi thẳm đáy trường giang
không ai nghe được từ nguyên thủy
nước của sông là máu của thân…


Lâm Hảo Dũng
(PTT)

Ảnh: Sông Mékong ở Pakbang- Lào.
Mt.Pritchard-NSW-Úc- Dec 12/16- 1H52’pm


Trên đường đến Bandong-Savannakhet



trâu bầy nhai cỏ bên sườn núi
nhà có chân cao nhóm lửa chiều
hàng tre bóng lã gầy như liễu
thị trấn “ Phin “ nằm xiêu nắng xiêu

rạ đồng khô xác thân gầy guộc
chen giữa rừng thưa gỗ “ teak “ nằm
những bóng cao su trầm mặc thở
nghe nhớ ai về mỗi tháng giêng ?

rừng đứng vang vang gọi sắc buồn
bạch đàn họp mặt dưới khe truông
không ai hiểu được mây chùng áo
để thấy hoàng hôn xuống Bảndong…


Lâm Hảo Dũng
(PTT)

Ảnh: Trên đường đến Bandong-Savan-Lào

Savan-Nov 17/16
Trong viện bảo tàng chiến tranh Lam Sơn 719
ở Bandong-Savannakhet



đứng bên đường chín nhìn Lao Bảo
một ngã xuôi về chiến địa xưa
cây vẫn xanh,đường luôn sắc đỏ
thời gian chết đứng giữa hư vô

ngày đi vớt nắng thiêu thân xác
tôi đổi trao tôi chữ thập sầu
tôi vẽ chân dung người mũ đỏ
gậy đường xuôi Bắc hay về đâu ?

thấy trong màu áo ,trong hình dáng
đã thuộc từng tên,mỗi địa danh
họ chính là tôi trong thuở ấy
một thời, nhưng chẳng thể nào quên

bảo tàng nghèo đói trong hình ảnh
chiến cụ mồ côi rũ rượi nằm
chỉ biết anh hồn bao chiến sĩ
suốt đời ngủ lạc ở Xepon…


Lâm Hảo Dũng
(PTT)

Ảnh: Viện bảo tàng chiến tranh tại Bandong-Savannakhet-Lào
Mt.Pritchard –NSW- Dec 18/16






Trên cánh đồng Chum vị trí 2- Xieng Khouảng



đồng cỏ khô hay đồng rạ vàng ?
nắng thôi về nên mưa lang thang
Xieng Khouảng, một ngày đi rất chậm
trời pha màu xám kín không gian

trong bước chân đi thấm cỏ buồn
tịch u như những mộ bia chôn
ngàn năm Chum vẫn là hoang sử
đá cổ hoàn nguyên lạc mất hồn…

hình thể Chum là ý tưởng ai ?
và trong hệ lụy chiến tranh đời
đạn bom là muỗi rừng kinh điển
vì những cuồng điên loạn thuyết người…


Lâm Hảo Dũng
(PTT)

Ảnh: Cánh đồng Chum vị trí 2- Xieng Khouảng-Lào

Mt. Pritchard-NSW- Dec 16/16 3H37’pm
Trên cánh đồng Chum vị trí ba- Xieng Khouảng



mưa như kéo chỉ trên đường dốc
đất đỏ đồi cao ,không thấy cao
cảnh trí cô liêu sầu mới dựng
cây xanh chải tóc lá khoe màu

ướt sũng một hồn di trú xa
thấy trong hình dáng thấy trong da
những nét thời gian sầu phẳng mặt
và Chum hoang kín một hồn ma…

đạn thù ai chích trên thân thể ?
(trong chiến tranh dài thế kỷ xưa )
trong những hồn oan quên thức dậy
chiến tranh, định nghĩa rất mơ hồ…

bên kia đồi khéo bày tranh vẽ
những bóng Chum nằm lơ đãng rơi
không nghe âm vọng, không lay động
buồn hãy trao tôi mặc suốt đời

những tôi lấy gió mưa làm áo
hò hẹn đồng Chum ở kiếp sau…


Lâm Hảo Dũng
(PTT)

Ảnh: Cánh đồng Chum site 3- Xieng Khouảng-Lào

Van,BC-Can- Dec 23/16-0H36’ am
Những ngày mưa ở Xieng Khouảng-Lào


giữa một mùa nắng cháy
Xieng Khouảng,những ngày mưa
bụi đường in dấu đỏ
đôi chân cùm bâng quơ

bên những đồi nương rẩy
cây nhiệt đới lên hình
bên những thân da sạm
nụ cười đã hồi sinh?

phố xưa nằm thở dốc
một thời Phonsavan
thanh nhàn hay chậm bước ?
khi thoát từ rừng xanh

lướt trên sân quán nhỏ
đạn bom thời chiến tranh
hay bảo tàng thu nhỏ
“ Banna Plain of Jars” (1)

rạ đồng đang lan tỏa
trên từng thửa ruộng khô
đàn bò trông khoan nhã
gậm cỏ giữa đôi bờ

mưa tôi về Xieng Khouảng
mưa tôi về đồng Chum
chiến hào xưa rệu rã
nhớ kinh hoàng hố bom ?

mưa tôi về Xieng Khouảng
nghe hơi núi sương rừng
trong cạn nguồn ký ức
bóng quê nhà Tây Nguyên…


Lâm Hảo Dũng
(PTT)

Ảnh: Bom trước một quán cà phê ở Xieng Khouảng
(1) “ Banna Plain of Jars” house –Xieng Khouảng

Paksé-Lào-Nov 22/16-5H36’pm